Thứ Sáu, 11 tháng 7, 2014

Em gái thương! Ngắt điện thoại với em rồi, vẫn thấy chưa yên lòng. “Mang tình yêu trong lòng là mang một gánh nặng.” Câu này đang vận vào em chăng.Nếu tình yêu đủ lớn, em sẽ không thấy giận, buồn, thất vọng vì những điều em mong ở người ấy mà họ không có hoặc họ chưa biết cách thể hiện như em mong đợi.

Yêu một người đúng cách là chấp nhận con người họ, thích nghi với những cái ở họ chưa làm ta vừa ý. Đánh thức và khuyến khích những cái tốt, cái hay của họ, làm cho họ nghĩ tới cảm xúc của mình và mong muốn làm vui lòng mình. Chứ đừng cố gắng thay đổi họ, vì rất khó. Hãy để họ vì yêu mình mà tự nhận ra, tự thay đổi, sẽ dễ dàng cho cả hai.

Yêu thì rất dễ, yêu đúng cách mới khó

Chúng ta thường nhân danh tình yêu để biện minh cho cái tôi của mình, áp đặt cho đối phương một cách nghĩ, cách sống như mình. Nếu khác với mình là rất khó chấp nhận.
Tình yêu không có tội. Tội là ở chỗ ta nghĩ ta yêu họ, nên ta có quyền thế này, thế kia. Quyền yêu họ theo cách của ta, mà đánh mất quyền của họ được là chính họ. Để yêu một người, có khi chỉ cần một ánh mắt. Nhưng để hiểu một người và cho người đó cảm nhận được tình yêu mình dành cho họ, có khi phải mất… một đời.

Nếu cầu toàn trong tình yêu, ta sẽ không bao giờ có được hạnh phúc thực sự

Thay vì thất vọng, dằn vặt về những điều họ không làm được cho mình, hãy vui vì những điều họ làm được cho mình, gấp đôi. Trân trọng những điều đó, dù là ít ỏi, họ sẽ ghi nhận, cám ơn ta về điều đó, và âm thầm làm những cái ta mong muốn ở họ, mà ta chưa dám nói hoặc ngại ngùng, chưa tiện nói.
Hãy tôn trọng và cố gắng đừng làm tổn thương nhau. Hãy chia sẻ với nhau từ những điều giản dị nhất. Đó mới là điều quan trọng nhất, mà chúng ta thường quên, hoặc là thường mắc lỗi rồi mới ngụy biện rằng vì ta cũng bị tổn thương, vì yêu nên ta mới thế, vì quá quen rồi nên mới thế…
Yêu nhau cho đúng cách chưa bao giờ là dễ dàng cả. Học cả đời có khi còn chưa hết. Nhưng có tình yêu với nhau, ta dễ dàng vượt qua những khó khăn, sóng gió mà đi tiếp bên nhau.
Nếu tâm hồn, suy nghĩ của con người như là một cuốn sách, chỉ cần mở ra cho người kia đọc, thì cuộc đời này quá đơn giản. Làm gì có ai phải khổ đau. Nhưng tiếc thay, con người là một sinh vật phức tạp. Cuộc sống biến đổi không ngừng, con người cũng vậy, cảm xúc của con người lại càng khó nắm bắt.
Nên cuộc sống hôn nhân không hề đơn giản khi mọi việc tưởng như đã nói với nhau hết một lần, khẳng định với nhau “I Love You”, rồi cứ thế là hạnh phúc tới. Mà nên hiểu hôn nhân là một công cuộc đầu tư lâu dài, gom góp từng ngày một, từng niềm vui, từng cuộc cãi vã, từng bữa cơm lành canh ngọt, từng kỷ niệm vui buồn… Để rút được ra những bài học ứng xử với nhau, để cảm nhận được sợi tơ hồng còn vương trong mắt nhau, làm hành trang đi cùng nhau tới cuối con đường…
Em gái thương, Tình yêu trong hôn nhân như muối bỏ biển vậy. Lúc nào cũng thấy ít, thấy thiếu, thấy nhạt nhẽo vì người ta còn biết bao thứ phải bận tâm, lo toan, tính toán.
Nếu em khoác cho tình yêu cái áo “trong đôi mắt em anh là tất cả” thì sẽ khổ cho anh ấy vô cùng. Tình yêu quan trọng thật, nhưng cũng chỉ là một phần của cuộc sống thôi. Cuộc sống này còn biết bao điều thú vị, hãy phân chia trái tim và cái đầu của mình thật hợp lý để khám phá, trải nghiệm hết những cái mới cuộc sống ban tặng.
Mở lòng ra đón nhận cuộc sống với những niềm vui mới, hướng sự quan tâm ra thế giới bên ngoài, em sẽ thấy nhẹ bớt những ưu tư, phiền muộn em đang cảm thấy nặng trĩu trong lòng.
Hãy hiểu yêu anh ấy nhiều hơn nữa, làm bạn của anh ấy theo cách mà anh ấy muốn, chấp nhận sự khác biệt, em sẽ thấy có một điều kỳ diệu đang đến với em.
Tình yêu chính là phép màu đem đến cho con người niềm tin yêu cuộc sống. Nhưng phép màu chỉ đến với những ai ngày ngày biết vun đắp, nuôi dưỡng nó bằng những hành động nhỏ bé nhưng thực tế, cần thiết cho cả hai người.
Thương em nhiều, cô nàng nhạy cảm đến mong manh của tôi.

Julia Le

Học để yêu...

Đọc tiếp...

Bạn bao nhiêu tuổi nhỉ? Không cần công bố đâu, bạn chỉ việc ngẫm xem có đúng với bạn không thôi nhé.
Nếu bạn dưới 20, cuộc sống đang dang tay chào đón bạn. Vô tư đi nhé, tuổi ngây thơ trong sáng nhất của bạn đấy. Tận hưởng bằng hết những gì cuộc sống trao tặng, đừng để phí hoài tuổi xuân. Tiền lúc này với bạn chỉ là những tờ polyme sắc màu có thể có được trong tay, chỉ cần có những lý do chính đáng.
Nếu bạn 20-30, cuộc sống bắt đầu đem cho bạn những bất ngờ thú vị. Bạn sẽ có một công việc có thể nuôi sống bạn thay vì cha mẹ bạn nuôi bạn trước giờ. Bạn cũng có thể có thêm một túi tiền nữa từ một người xa lạ nhưng tình nguyện ‘góp gạo thổi cơm chung’.
Giai đoạn trẻ trung, sung sức nhất cuộc đời là đây. Trưởng thành và bắt đầu cuộc sống độc lập, xây đắp một gia đình nhỏ. Bạn bắt đầu thấy tiền có giá trị lớn lao trong cuộc sống của bạn và dốc mọi khả năng, sức lực để kiếm nó, nhanh nhất, nhiều nhất.
Nếu bạn 30-40, cuộc sống tặng bạn những món quà và cũng không quên mang cho bạn những rắc rối. Cuộc đời không như là mơ là câu nói bạn sẽ bắt gặp mình đôi lúc đang lẩm nhẩm trong miệng. Trách nhiệm nhiều lên, khi những thiên thần nhỏ của bạn ngày một lớn dần. Khó khăn cũng chồng chất khi chúng ta phải cõng trên vai các gánh nặng trách nhiệm với gia đình: Ông bà, cha mẹ, con cái; với công việc; với xã hội và với chính bản thân mình.
Ở vai trò nào chúng ta cũng… đuối nếu không nỗ lực mỗi ngày, phấn đấu mỗi ngày vượt lên chính mình của ngày hôm qua. Tiền lúc này không quan trọng với bạn đâu, mà rất, rất quan trọng. Bạn cần rất nhiều để chi tiêu, trang trải nợ nần, dự phòng cho biến cố, tích cóp, đầu tư cho tương lai. Ở tuổi này, bạn cũng có câu trả lời rất rõ ràng về khả năng đem tiền vào túi của mình. Nếu giỏi giang và may mắn, bạn sẽ có một cuộc sống dễ dàng hơn.
Nếu bạn 40-60, cuộc sống nhường bớt cơ hội dẫn dắt sang tay bạn. Nếu bạn chịu được va đập từ cuộc sống mà không quỵ ngã, lại còn vẫn ‘ngon lành cành đào’, bạn đáng được nể nang đấy. Nếu bạn yếu đuối, không đủ sức chống đỡ bão táp phong ba, coi chừng nhé, bạn sẽ bị ép chơi ú tim liên tục, hết ván này tới keo khác, lúc nào cũng có cảm giác chán nản và thất vọng. Chỉ còn cách là chống đỡ và chuẩn bị đủ sức mạnh vượt qua thôi. Tiền lúc này hoặc là của nổi của chìm của bạn, hoặc là giấc mơ cháy bỏng của bạn, tùy thuộc vào bạn là ai, nỗ lực của bạn trong những năm trước đây thế nào.
Đây cũng là giai đoạn thành công hay thất bại của mỗi người được định đoạt rõ ràng. Đỉnh cao danh vọng, quyền lực và tài sản nếu giữ được trong giai đoạn này sẽ có tính ổn định, lâu dài.
Lứa tuổi này, nếm trải hầu hết thăng trầm, nên cái nhìn về cuộc sống luôn thực tế, chính xác. Lúc này, cơ hội và thời gian không còn được xài phung phí nữa. Chúng ta cần phải có những động thái cần thiết và thực tế chuẩn bị cho tuổi già, để vẫn tự lập, không phụ thuộc vào con cái, cháu chắt. Một khoản tiền trong ngân hàng, một vài bất động sản có thể sinh ra thu nhập thụ động, luôn là những tính toán hợp lý và khôn ngoan nhất cho bạn.
Nếu bạn trên 60, bạn còn chờ gì nữa mà không cho phép mình giảm bớt cường độ lao động, bàn giao cơ nghiệp cho thế hệ trẻ, cho phép mình nghỉ ngơi, làm những điều mình mong muốn mà trước đây chưa có thời gian làm. Đây là lúc bạn để tâm hồn thanh thản, vui vầy với tuổi già an nhàn, tận hưởng những gì bạn đạt được sau nhiều năm lao động miệt mài.
Nếu vẫn còn sức khỏe, còn minh mẫn và khả năng, chắc chắc bạn sẽ vẫn còn tạo được giá trị cho mình, cho con cháu, cho đời. Tiền với bạn lúc này lại chỉ là những con số trong tài khoản ngân hàng, để bạn có cảm giác yên tâm không phải lo lắng, không phải phụ thuộc vào ai khác. Hoặc là bạn chẳng cần phải quan tâm gì hết, nếu bạn nhường việc đó vào tay vợ, chồng, hay con, cháu bạn từ lâu rồi.
Trong mọi trường hợp, luôn luôn có ngoại lệ. Những lứa tuổi liệt kê ở đây, chỉ tính chung cho số đông. Nếu bạn là ngoại lệ, thành đạt sớm, giữ được cơ nghiệp bền lâu, tôi xin chúc mừng bạn.
Còn tôi? Tôi yêu ngôi nhà nhỏ vùng ngoại ô, có những khoảng sân trồng đầy hoa có, có dòng sông uốn mình đâu đó quanh nhà. Tôi yêu những buổi chiều đồng quê thơm ngát mùi hương đồng gió nội, hai ông bà già lững thững nắm tay nhau vãn cảnh hoàng hôn.
Bạn thân mến ơi! Đời là mấy giấc mơ, hãy mơ giấc mơ của riêng bạn và tôi chúc bạn chạm tay vào từng ước mơ, nhanh chóng thôi!

Julia Le

Những giai đoạn trong cuộc đời!

Đọc tiếp...

Thứ Hai, 7 tháng 7, 2014

Ngày nhỏ tới lớn, tôi thích tất cả những gì hoàn hảo. Một cuốn vở trắng tinh với những hàng chữ thẳng tắp, một chiếc áo phẳng phiu với hàng nút duyên dáng trên ngực, những cánh đồng vuông vức, một khuôn mặt mộc tinh khôi, một chiếc bình pha lê trong vắt không tì vết… Khi đó với tôi cái đẹp, cái hay, cái thú vị phải gắn liền với sự hoàn hảo.
Càng sống lâu trên đời, mới thấy đi tìm sự hoàn hảo nếu không viển vông thì cũng tự mình đóng bớt các cánh cửa khám phá cuộc đời. Mới thấy cuốn vở trắng tinh ấy, nếu có thêm những dòng chữ xô nghiêng nhưng đọc lên làm lòng ta ấm lại thì cuốn vở ấy đáng nhớ biết bao.
Chiếc áo ấy bỗng có thêm vài giọt mực đồng hành cùng hàng nút, nhưng nó giúp ta nhớ ngay tới kỷ niệm ngày người bạn gái cùng bàn đánh rơi giọt nước mắt đầu tiên trong câu chuyện kể về những rung động đầu đời.
Cả cái bình pha lê màu hồng tía nằm ngay vị trí trang trọng ở phòng khách cũ, vết nứt của nó ghi dấu ngày chiến tranh nổ ra trong những năm tháng đầu tiên. Để sau này mỗi khi nhìn thấy nó, ta lại trân trọng biết bao những ngày tháng, những khoảnh khắc được gần bên nhau, được cùng ăn một tô mì nóng hổi trong một đêm mưa, hay là những lúc rạng sáng thức cùng nhau trong ánh đèn vàng ấm áp.
Hoàn hảo làm gì, khi mà cuộc sống là chuỗi những hệ thống, những thái cực, vật chất và phi vật chất, quy luật bù trừ cho nhau, có âm có dương, có lửa có nước, có nóng có lạnh, có đẹp có xấu, thì phải có hạnh phúc và khổ đau… mới đúng là cuộc sống.

Tôi sẽ không đi tìm sự hoàn hảo. Chắc chắn đấy

Cơn mưa bất chợt đầu giờ sáng trước giờ một hội nghị trang trọng đúng là tai ác, làm ướt hết bộ vía mất công ủi phẳng phiu. Nhưng có hề chi nếu buổi hội nghị kết thúc trong một kết thúc thành công trên cả tuyệt vời. Dấu ấn cơn mưa buổi sáng đã trôi về miền xa lắc, chỉ còn lại niềm vui khôn tả, mọi sự chuẩn bị kỹ càng đã được đền bù xứng đáng.
Trận giao tranh giữa hai đội bóng sinh viên giành cúp mùa thu trường cũng vậy. Một người sái tay phải dìu ra sân trước khi trận đấu kết thúc, những pha tranh bóng thót tim cổ động viên, những tiếng la hét khản cổ.. cũng nhường chỗ cho nụ cười chiến thắng, một trận đấu hay, tinh thần bóng đá fairplay mới là những điều còn lại trong tim mỗi người chứng kiến ngày hôm đó.
Một cuộc đi chơi bất thành vì sự cố bất ngờ, nhưng cái cách người chồng báo tin, cách chồng bần thần vì phá vỡ kế hoạch lại mang tới cho người vợ vui hơn là cuộc vui lẽ ra sẽ có. Được hiểu cảm xúc của mình, được trân trọng, thì ai dại gì mà hẹp hòi được voi đòi tiên nhỉ.
Nếu cứ cố gắng làm mọi sự hoàn hảo, ta chỉ thấy còn lại mỗi cái bực bội hay tiếc nuối. Còn khi chấp nhận sự không hoàn hảo, thì cái thở phào nhẹ nhõm trút ra, một nụ cười mệt nhọc hé nở, hạnh phúc đang trú ẩn ở đâu đó chợt ùa về.

Đó không phải là cái đích cuối cùng ta mong đợi hay sao?

Tôi yêu những gì đến tự nhiên. Câu hát ấy như một chân lý với tôi. Cứ cố công đi tìm những điều nghịch với tự nhiên chẳng phải viển vông là gì.
Cuộc sống quá phong phú, quá thú vị, để trải nghiệm hết mọi cung bậc, chỉ có cách là sống thật tự nhiên, đón nhận mọi thứ xảy đến thật tự nhiên, và phản ứng với những điều đó cũng thật tự nhiên, là chính con người của mình. Để lúc nào trong tim ta cũng thấy tràn đầy tình yêu cuộc sống.

Julia Le

Có nên đi tìm sự hoàn hảo trong cuộc sống

Đọc tiếp...

Thứ Ba, 17 tháng 6, 2014

Đây là một câu hỏi mà tôi và bạn đều muốn tự hỏi với bản thân. Xin các bạn hãy bỏ ra một chút thời gian để đọc và cảm nhận.
Đời người đang theo đuổi cái gì? Trước khi đọc câu chuyện này thì dường như tôi cho rằng đây chỉ là một câu hỏi thừa hoặc là có bạn nói rằng: ‘’Hãy về hỏi đấng sinh thành xem họ sinh ra bạn để làm gì? Phí cơm gạo để bạn hỏi một câu thừa thãi đến vậy.’’ Bởi vốn dĩ đời người có rất nhiều thứ để theo đuổi: Tiền bạc, chức quyền, tình yêu và sự nghiệp,vân vân và vân vân….
Nhưng mọi người hãy đọc thử câu chuyện này nhé! Có một thương gia người Mỹ ngồi trên bến của một làng chài nhỏ ở bờ biển Mexico, ông ta nhìn thấy một người đánh cá cùng một con thuyền nhỏ gần bờ.Trên con thuyền nhỏ có mấy con cá tầm vây vàng đuôi to. Người này hỏi người đánh cá để bắt nhiều cá ngon như thế này thì phải mất bao lâu?
Người đánh cá nói chỉ cần một chút thời gian bắt được. Người Mỹ lại hỏi: “Tại sao anh không đợi thêm nữa để bắt được nhiều cá hơn?” Người đánh cá cho rằng: “Số cá đã đủ nhu cầu sinh sống của cả gia đình tôi rồi!”
Người Mỹ lại hỏi: “Vậy số thời gian vòn lại trong một ngày anh làm cái gì?”
Người đánh cá giải thích: “Tôi à! Hằng ngày tôi ngủ đến lúc tự nhiên tỉnh mới dậy, ra biển bắt mấy con cá, sau khi về nhà thì lại cùng chơi với lũ trẻ, lại cùng với vợ ngủ trưa, đến khi trời tối uống một chút rượu, cùng các anh trai chơi guitar. Một ngày của tôi trôi qua vừa vui vẻ vừa bận rộn.”
Người Mỹ cho là chưa tốt,đưa ra ý kiến giúp anh ta và nói: “Tôi là thạc sĩ quản lý xí nghiệp. Hàng ngày, anh nên bỏ ra nhiêu thời gian hơn để đi bắt cá, đến khi anh có tiền thì mau con thuyền to hơn một chút. Lúc đó, tự khắc anh sẽ bắt được nhiều cá hơn, có thể mua được nhiều thuyền cá hơn. Sau đó nha sẽ có được một đội thuyền.”
Người đánh cá hỏi: “Làm được những việc đó phải mất bao nhiêu thời gian?”
Người Mỹ trả lời: “Từ 15 đến 20 năm!”
“Sau đó thì sao?”
“Đến lúc đó, anh không cần phải bán cá cho lái buôn nữa, mà trực tiếp bán cho nhà máy và anh cũng có thể tự mở một nhà máy đồ hộp. Như vậy anh có thể nắm bắt được toàn bộ từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ. Tiếp theo anh có thể chuyển đến thành phố Mexico rồi đến Los Angeles và cuối cùng là New York. Kinh doanh ở đó anh sẽ không ngừng mở rộng xí nghiệp của mình.”
Người Mỹ cười và nói: “Đến lúc đó,anh có thể nghỉ hưu, anh có thể chuyển đến sống ở một làng chài nhỏ bên bờ biển. Hàng ngày, thích ngủ cho tới lúc nào cũng được. Sau đó ra biển thích bắt bao nhiêu cá cũng được, chơi cùng với lũ trẻ con, lại cùng vợ ngủ trưa, khi hoàng hôn có thể vào trong làng, cùng với các anh trai chơi guitar.”
Người đánh cá nghi hoặc hỏi: “Bây giờ chẳng phải tôi đang sống như vậy sao?”

Câu chuyện thứ 2: Vì sao mà sống

Có ba người mặt mày buồn bã đến hỏi ý kiến của một nhà hiền triết, làm thế nào để bản thân sống được vui vẻ.
- Trước tiên, các ông hãy nói xem các ông sống vì cái gì? – Nhà hiền triết hỏi.
Người đầu tiên nói:
- Vì tôi không muốn chết, vì vậy mà tôi sống.
Người thứ hai nói:
- Vì tôi muốn nhìn xem ngày mai có tốt hơn ngày hôm nay hay không, vì vậy mà tôi sống.
Người thứ ba nói:
- Vì tôi có một gia đình phải nuôi dưỡng. Tôi không thể chết, vì vậy mà tôi sống.
Nhà hiền triết lắc đầu nói:
- Thế thì đương nhiên các ông không được vui vẻ rồi, vì các ông sống chỉ vì sợ hãi, chờ đợi, trách nhiệm bất đắc dĩ, chứ không vì lý tưởng. (vậy lý tưởng rồi cũng vì cái gì?)
Mỗi người đều có một cách sống cho riêng họ, không ai giống ai, đâu thể nào bắt người khác phải sống như mình,rập khuôn theo mình. (phải là chính mình chứ, bạn có nghĩ vậy không?) Nếu cố bắt chước cách sống của người khác thì cuộc sống ai cũng như ai làm sao thú vị được? Làm sao tạo nên cá tính cho riêng mình được? (có người tham vọng, có người cầu tiến nhưng cũng có người thích an phận, thích tự do….) như vậy cuộc sống mới phong phú, đa dạng chứ bạn. Nói vậy chứ mình cũng không biết: “Đời người rốt cuộc đang theo đuổi cái gì vậy?”
Người ta sống trước hết là vì mình. Bạn đừng coi câu này là ích kỷ nhé, trong phim chưởng nói rồi: “Người không vì mình, trời tru đất diệt.” Bạn giúp một bà cụ qua đường, là vì bà cụ mà cũng chẳng phải cũng chính là vì bạn đấy ư, bạn cảm thấy sảng khoái khi giúp người khác. Bạn hiến thân cho lý tưởng của bạn và dù sắc bạn chẳng đến một cái đích cụ thể nào cả, bạn cũng thấy hạnh phúc vì đã dám chơi và dám chịu.
Như Đỗ Phủ ngủ trong lều cỏ, ai bảo là khổ? Lý Bạch làm thơ mua vui cho Dương Quý Phi, ai bảo là sướng? Lý Thái Bạch sống để làm gì? Làm thơ ư? Ông không phải cái máy đẻ thơ. Ông múa kiếm dưới trăng, và uống rượu với trăng. Vui thú trên đời cũng chỉ đến thế là cùng.
Có nhiều người không bao giờ dừng lại xem xét ý nghĩa của đời sống là gì. Những năm sau họ nhìn lại và tự hỏi tại sao những mối liên hệ có phần tan vỡ và tại sao họ cảm thấy trống vắng mặc dầu họ đã đạt được những thành công do họ đặt ra. Một cầu thủ bóng chày nổi tiếng trong làng bóng này đã được hỏi anh ước muốn điều gì nếu một ai đó sẽ nói với anh lúc anh mới bắt đầu chơi bóng. Anh đã trả lời: “Tôi ước muốn người đó nói với tôi khi anh lên tới đỉnh vinh quang nơi ấy chẳng có gì.” Nhiều mục tiêu đã biểu lộ tính chất trống rỗng chỉ sau vài năm họ theo đuổi cách vô vị buồn tẻ.
Trong xã hội nhân văn của chúng ta, con người theo đuổi nhiều mục đích, họ suy nghĩ sẽ tìm thấy ý nghĩa. Những mục tiêu họ theo đuổi gồm có: Sự thành công trên thương trường, sự giàu có, nhiều mối liên hệ tốt, giải trí, làm điều lành cho người khác.v.v… Người ta đã chứng nhận rằng trong lúc họ thành đạt những mục tiêu của sự giàu có, vui chơi, và hài lòng vẫn có những khoảng sâu trống vắng trong tâm hồn – một cảm giác trống trải mà dường như không thể lấp đầy được.
Mỗi người có một điều-để-đeo-đuổi riêng. Nhưng tất cả đều gọi chung là lý tưởng sống. Tôi còn trẻ, lý tưởng của tôi giờ là thu thập và lĩnh hội kiến thức, học tập để tìm được vị trí xứng đáng cho mình trong xã hội, sống tốt để là niềm tự hào của những người tôi yêu, cũng như họ đã yêu thương và tin tưởng tôi. Nhưng biết đâu, 10 năm, 20 năm nữa, lý tưởng của tôi sẽ bổ sung thêm một vài điều: Một tổ ấm hạnh phúc với những đứa con ngoan, một cuộc sống yên bình,… Nói thế để chứng minh rằng lý tưởng không phải là cái bất biến.

Rốt cuộc đời người đang theo đuổi cái gì?

Mình thấy cuộc đời thật ngắn ngủi dù tôi đang 23 tuổi. Đó không phải là cảm giác hoài nghi hay sợ hãi thực tại, mà chỉ nhận thấy qua cuộc đời nhiều người. Theo tôi không nên hỏi câu hỏi này, mà chỉ nên nghĩ theo một hướng tích cực hơn. Và chúng ta nên hỏi: “Rốt cuộc mình sẽ làm gì cho cuộc đời.” Nhưng nếu không biết mình sống để làm gì thì liệu có làm gì được cho cuộc đời không đây? Hay là cảm thấy bế tắc và lang thang mãi mà không biết mình đang đi đâu?
Người ta sống lâu hay chết lâu? Sống lâu lắm là được một hai trăm tuổi chứ gì. Còn chết thì vô tận các bạn nhỉ. Nên so sánh hai cái với nhau thì chẳng khác nào một nốt son giáng trong bản giao hưởng. Đừng nói đến luân hồi và kiếp sau vội, mình chỉ muốn nói đến ở đây và bây giờ, cứ tạm sống kiếp này cái đã.
Lại có bạn cho rằng: Suy cho cùng cái mà con người sống và cần đạt được là hạnh phúc. Mỗi người có một định nghĩa khác nhau về hạnh phúc. Tiền bạc, công danh, cống hiến cho mọi người,… hay chỉ là một cuộc sống nhàn tản vui thú.
Cuộc sống bây giờ muốn nhàn cũng không được. Nhàn ngày nào… đói ngày đó. Người ta nói lao động là vinh quang, thật không sai. Con người khi lao động sẽ thấy trong đó sự trưởng thành bản thân, thấy thu gặt được thành quả của mình, thấy mình có ích,… Những ai trốn tránh lao động, lười nhác sẽ chẳng bao giờ có hạnh phúc vì họ môt lúc nào đó cảm thấy mình thừa thải, vô dụng, bất lực. Hạnh phúc như ai đó nói, đó là cả một quá trình. Nó không có đích đến, bởi bản thân hạnh phúc là một cuộc trải nghiệm không ngừng.
Tự nhiên tôi lại nhớ tới câu này:
Happiness is a journey, not a destination.
Dance, as though no one is watching you.
Love, as though you have never been hurt before.
Sing, as though no one can hear you.
Live, as though heaven is on earth.
Tạm dịch:
Hạnh phúc là một cuộc hành trình, không phải là một điểm đến.
Nhảy, như thể không có ai đang theo dõi bạn.
Yêu, như thể bạn chưa bao giờ bị tổn thương trước đây.
Ca, như là mặc dù không ai có thể nghe bạn.
Sống, như thiên đường trên trái đất.
Thế đấy, chúng ta bị cuốn theo dòng đời mà vội vã đến nỗi chúng ta thường không nhìn thấy ai. (thậm chí cũng không nhìn thấy mình)
Ghê nhất là chỗ này đây: Chúng ta không có thì giờ nhìn lại mình nữa, dù, có lẽ, chỉ để… suy nghĩ vớ vẩn một chút đỉnh thôi…. Để khỏi phải sợ rằng cho đến một lúc nào… Nhìn lại mình đời đã xanh rêu.
Đứng trong vũ trụ này, là bạn là tôi đều tự hào là người Trái Đất. Đứng trong thế giới này, là bạn là tôi đều tự hào là người Việt Nam. Nhưng hơn hết, đứng ở đâu, tôi và bạn cũng tự hào có một gia đình, một dòng họ, một quê hương, một xứ sở. Đã biết chết không mang theo được gì. Nhưng sẽ đến một lúc bạn thiết tha mong muốn mình để lại được ít ỏi điều gì đó cho những người, những thứ mà bạn yêu thương và tự hào.
Tại sao ba mẹ bạn lại muốn cho bạn khôn lớn và thành công? Liệu có một ngày bạn cũng dành những tâm huyết ấy cho con cái mình? Cho hậu thế của mình. Tôi không là vĩ nhân, tôi không giỏi giang, không đa tài nên tôi không dám mơ mình một tay nắm giữ thế giới, không dám tin mình xưng hùng, xưng bá, không dám nêu cao khẩu hiệu tôi sống vì quê hương, vì đất nước…Tôi chỉ sống vì con cái tôi, vì những người thân yêu sẽ khóc lúc tôi lìa trần. Tôi muốn mình mỉm cười thanh thản và an tâm về họ ít nhất vào giây phút tôi còn chút hơn tàn, đó thật sự là một điều gì đó rất thiêng liêng.
Vâng, có thể tôi ích kỷ, có thể tôi không bao dung và cao thượng nhưng đó là những điều tôi có thể lúc này: Sống để mang đến niềm vui cho những người mà tôi yêu thương và sống để mỉm cười mãn nguyện, an lòng lúc ra đi.
Chắc hẳn các bạn đang tự hỏi từ nãy đến giờ đang đọc và thật mờ hồ, và chẳng biết: Rối cuộc cuộc đời người đang theo đuổi cái gì.
Thực ra theo tôi nghĩ: Đây là một câu hỏi không có đáp án. Bởi vì mỗi người có một quan niệm khác nhau về khái niệm “cuộc sống đủ đầy” hay như bạn đã nói: Có người tham vọng, có người cầu tiến nhưng cũng có người thích an phận, thích tự do… Mình nghĩ câu chuyện trên chỉ nhằm mục đích giúp chúng ta xác định lại lý tưởng sống của mình, xét lại cách sống của bản thân. Đúng là không nên rập khuôn với người khác. Phải đặt ra một mục tiêu sống cho mình.
Còn tôi: Tôi còn quá trẻ, thật buồn cười khi ngồi viết về “rốt cuộc đời người đang theo đuổi cái gì?” Nhưng ít nhất, hiện giờ tôi vẫn đang làm theo những gì tôi cho là đúng. Sau khi ngồi uống liền 4 cốc cà phê để viết bài này. Tôi đã kết luận: “Tôi sống là vì tôi, tôi sống vì những gì mà tôi yêu thích.”
Còn bạn thì sao?

Michael Nguyễn

Đời người đang theo đuổi điều gì?

Đọc tiếp...

“Most people die at 25 and aren’t buried until they’re 75.” – Benjamin Franklin
(Tạm dịch: Hầu hết mọi người chết ở tuổi 25 nhưng chưa được chôn cho tới khi họ 75.)
Cuộc sống liệu có quá chông chênh khiến con người ta cứ phải kiếm tìm mọi thứ có thể cân bằng lại? Một người bạn phù hợp để lắng nghe, chia sẻ? Một không gian để tĩnh tại, tự hỏi chính mình và giải quyết vấn đề nửa vời? Một biện pháp để cải thiện bản thân từ các tác động bên ngoài? Hay một lý thuyết triết lý nào đó để vịn vào, làm điểm tựa và bao biện?…
Tôi không phải là người giỏi tự tìm cho mình một nơi bấu víu hoặc giải thoát mình ra khỏi lối suy nghĩ tiêu cực, nhưng bình an và tự nhìn lại chính mình, tôi hiểu: Cuộc sống là một bài học, chuỗi các sự kiện, mà mỗi chuyện xảy ra đều đúng là câu chuyện cần được trang bị cho quãng thời gian mình hiện hữu trên cuộc đời này. Tôi đã nghe nhiều câu hỏi, than vãn khi những người bạn xung quanh mình vẩn vơ đi tìm thêm màu sắc của cuộc sống, muốn nó khác đi, sôi động và khác biệt hơn; những cú hích muốn thử thách; một sự an toàn cho tương lai của bản thân, gia đình hay chắc chắn và ổn định về một viễn cảnh tươi sáng… nhưng thực sự thì, bản thân mình đã hiểu rõ điều gì mình có, mình cần trong đoạn thời gian tuổi trẻ hiện tại hay chưa? 50 năm nữa kể từ khi 25 tuổi để sống một cuộc đời bình dị và cân bằng liệu có quá khó để thực hiện?
Nhìn dòng người đông đúc qua lại, sự vận hành đến chóng mặt của guồng quay toan tính hàng ngày để lặng yên đối diện thì thấy cuộc đời cũng công bằng đáp trả lại với những gì mình muốn, cũng xứng đáng và đầy toan tính. Vài phút để nhìn lại nhưng vẫn thấy chưa đủ với mớ bòng bong suy nghĩ, khao khát nhiều, đam mê nhiều, rối trong nhận thức vượt lên trên khả năng và nhu cầu ở thời điểm hiện tại. Bức tranh của cuộc sống khác gì một khối rubic nhiều màu nhưng lộn xộn hay trật tự, đẹp hay xấu, xét từ góc độ người này hay người khác thì đều khác nhau mà thôi. Tính đa dạng và dễ dàng biến đổi của nó vẫn nằm trong một chỉnh thể trọn vẹn, khéo léo thì vẫn thấy thú vị để chơi tiếp trò chơi cuộc đời.
Trong cuộc đời mỗi con người, trăn trở hay nhàm chán về cuộc sống thường thì xoay quanh các vấn đề khi chưa hiểu rõ bản thân mình như: các mối quan hệ, sự nghiệp, công việc, mục tiêu cuộc đời, định hướng tương lai… Công việc, sự nghiệp và tư duy về bản thân là các quả bóng cao su – nó phồng rồi xẹp sẽ tùy theo sự nhào nặn và từng thời kỳ mà mình trải qua. Còn các mối quan hệ: Gia đình, bạn bè hoặc sức khỏe lại là các quả bóng thủy tinh – mỏng manh, dễ vỡ và rất cần ở đó sự tinh tế, hài hòa và gìn giữ cẩn thận.
Mỗi dấu mốc chuyển giao của cuộc đời tôi gọi là các bước nhảy, hướng lên theo nghĩa tích cực chứ không nặng nề mang tên “khủng hoảng” mà mỗi bạn trẻ đang tự gán cho nó. Biết là sẽ thử thách để vượt qua và tại thời điểm đó, bạn có đủ sức mạnh để sẵn sàng “nhảy”. Không bàn đến thời kỳ “ăn bám”, khi bước vào tuổi “chấp chới” phải lo toan cuộc sống cá nhân thì những tính toán đầu tiên sẽ là cơ hội để khám phá và chiêm nghiệm nhiều điều về cuộc sống. Bạn nghĩ rằng: Mình đang mất cân bằng khi phải giải quyết các vấn đề xung đột trong chính mình – công việc, gia đình, cuộc sống cá nhân, tương lai, các mối quan hệ mới bắt đầu hình thành. Và có lẽ, đây là thời điểm mà nhiều bạn nghĩ rằng phải bứt phá bằng chính sức trẻ của mình, khi vẫn còn cơ hội để bay nhảy, khám phá, thử thách và còn có thể mắc sai lầm.
Công việc không chỉ là công việc, nó phải là sự tìm kiếm bản thân, khẳng định những giá trị cốt lõi của mình và phát huy được thế mạnh và những điều mình muốn trong sự tương tác với con người và sự việc. Công việc lý tưởng nhất không phải là công việc khi đứng ở vị trí cao nhất hay mang lại cho bạn một nguồn thu nhập cao nhất, mà còn hơn thế nữa, đó là công việc mang đến cho bạn niềm vui, sự sáng tạo và bình an lâu dài. Bạn được làm việc mình thích, học hỏi trong một môi trường tích cực và phát triển. Bạn được “sống” đúng nghĩa chứ không phải đang bị gò bó vì công việc và giới hạn bản thân. Công việc là một phần định hình sự nghiệp, về điều bạn chắc chắn phải làm trong cuộc đời sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến cách sống và quãng thời gian bạn đi tìm ra đúng “điều mình phải làm”.
Sự phát triển bản thân – cũng là một điều mà mỗi cá nhân luôn tự hỏi: “Làm thế nào để tốt hơn?” “Làm thế nào để khẳng định được cá giá trị bản thân, sống cân bằng và tự tại?” Có những lúc tôi ước mình được trở lại thời trẻ nhỏ, ngây thơ, cười rạng rỡ, vô tư và học hỏi tiếp nhận mọi thứ từ thế giới như một miếng bông thấm nước, để thấy mỗi ngày lớn lên thật khác, ngày hôm nay tốt hơn ngày hôm qua và chắc chắn ngày mai cũng sẽ khác. Để bây giờ khi ở tuổi 25, bạn còn thấy mình dễ dàng học hỏi như một đứa trẻ? Hãy học hỏi, hãy tìm tòi và phát triển bản thân, dù nhỏ thôi, nhưng hãy đổi mới – kiếm tìm những điều nhỏ thôi nhưng đủ thú vị để nhận thức rằng, bạn vẫn đang lớn lên mỗi ngày.
Hãy yêu và sống cho những người xung quanh, nhiệt tình với chính mình mà những mối quan hệ đang có nhưng hãy là chính mình – đừng gượng ép hay toan tính. Trao đi để nhận lại nguồn năng lượng hạnh phúc. Và đặc biệt hãy tận hưởng cuộc sống – Đây không phải là một khái niệm vật chất, vì vậy đừng gán bất kỳ lý do gì để dừng lại và ngắm nhìn những màu sắc của thế giới xung quanh. Cân bằng cuộc sống bằng những trải nghiệm tinh thần phù hợp với từng cá nhân từ những việc nhỏ hàng ngày. Ngay lúc này – hít vào một hơi thật sâu, cảm nhận hơi thở và thở ra từ từ, loại bỏ đi hết mọi lo lắng của cuộc sống hàng ngày để ngắm nhìn chính mình, bình an ở giây phút hiện tại.
Chấp nhận với giây phút hiện tại để bằng lòng với những gì mình đang có, nỗ lực với những điều mình mong muốn, kiên trì hành động để đạt được mục tiêu cá nhân. Sống chậm lại, cảm nhận, hưởng thụ cuộc sống và mỉm cười mỗi ngày, đừng để xã hội vật chất cuốn bạn đi, khiến nó kiểm soát mọi suy nghĩ và cách sống của bạn. Chỉ cần dừng lại và ngắm nhìn mọi thứ xung quanh, bạn sẽ thấy rất nhiều màu sắc đẹp đẽ dưới con mắt tinh tế của bạn. Cho phép mình mỉm cười trước mỗi chuyện xảy ra thì chắc chắn rằng khi nhìn lại bạn sẽ thấy điều thú vị ẩn chứa trong đó, sống với giây phút hiện tại nhưng hãy chờ đợi kết quả ở tương lai. Chuyện gì xảy ra cũng tốt… Bạn biết có những người luôn gặp may mắn trong cuộc sống phải không? – Hãy là một trong số họ!
Thân tặng đến những người bạn tuyệt vời của tôi đã và đang trải nghiệm một cuộc đời đầy màu sắc!

Bùi Phương Linh

Có quá chông chênh để cần phải cân bằng?

Đọc tiếp...

Có hai mẩu chuyện gây ấn tượng mạnh với bản thân tôi khi nghĩ về cuộc sống, xin giới thiệu lại như một lời mở đầu.
Chuyện thứ nhất: Có một người thanh niên sinh ra trong gia đình khá giả, thông minh, chăm chỉ và thành đạt. Nhưng anh ta có một vấn đề thắc mắc mà mãi không thể nào lý giải được, đó là: “Cuộc đời này là gì?” Anh nhìn quanh thì thấy đó là cảnh được mất, hơn thua, tranh danh đoạt lợi, mưu hại lẫn nhau, nhưng cũng có những yêu thương, những hy sinh và những tình cảm đẹp… Quá phức tạp, quá hỗn độn. Và anh quyết định ra đi tìm người có thể giúp anh giải đáp câu hỏi đó. Trải qua nắng mưa, sương gió, chịu bao nhiêu khổ hạnh, anh càng nhìn thấy thêm rất nhiều mặt khác của cuộc đời, nhưng chung quy vẫn chưa tìm được đáp án cụ thể. Cuối cùng anh cũng đến được đỉnh núi cao, nơi có một vị thiền sư đang tu tập, mọi người đều nói ông là một người có trí tuệ vô biên, có thể giải đáp được mọi câu hỏi. Anh đến và hỏi ông: “Thưa thiền sư, xin cho tôi hỏi: Cuộc đời này là gì?” Thiền sư trả lời: “À, cuộc đời là một dòng sông.” Rồi nhắm mắt lại không nói thêm lời nào nữa. Anh thanh niên tức giận quát vào mặt ông: “Ông trêu đùa gì tôi vậy? Tôi đã trải qua bao nhiêu chuyện, thấy bao nhiêu thứ rồi, đến tận đây để nghe ông nói cuộc đời là dòng sông ư?!”
Câu chuyện kết thúc như vậy, ban đầu tôi cũng chẳng hiểu ra sao, nhưng ngẫm nghĩ lại thì tôi thấy thế này: Cuộc đời của anh thanh niên là vô vàn thứ phức tạp đan xen, là hạnh phúc, khổ đau, dằn vặt.. còn cuộc đời thiền sư thì như dòng sông yên ả. Không ai đúng, ai sai cả, mỗi người đang sống chính là đang định nghĩa cuộc đời mình đó thôi.
Câu chuyện thứ hai: Một thanh niên đến gặp nhà hiền triết và nói: “Con đến để xin thầy kiến thức.” Nhà hiền triết đưa anh ta đến một bờ sông gần đó và cả hai cùng lội xuống nước. Nhà hiền triết bảo người thanh niên bám lấy tay mình rồi nhấn đầu anh ta xuống nước một lúc. Khi người thanh niên ngẩng đầu lên, nhà hiền triết hỏi: “Ngươi đến đây làm gì?” “Con đến xin kiến thức” – người thanh niên đáp một cách chân thành. Nhà hiền triết lại dìm anh ta xuống một lần nữa, và lặp lại câu hỏi. Lần này người thanh niên trả lời: “Cho tôi thở đã, cho tôi thở đã!” Ngay lúc đó, nhà hiền triết buông anh ta ra và thong thả nói: “Khi nào ngươi cần kiến thức như cần không khí để thở, ngươi sẽ tìm thấy nó!”
Câu chuyện này thì dễ hiểu hơn, ý nghĩa của nó nằm ngay câu nói cuối cùng. Nhưng tôi lại có một cách hiểu khác: Đó chính là mọi thứ trên đời này nếu muốn vươn cao, vươn xa thì cần phải bắt nguồn từ một cái gốc, một nền tảng nào đó, và nền tảng sơ khai nhất của mỗi con người chính là sự sống, là việc hít thở. Nếu dừng ở ngay câu “cho tôi hít thở đã, cho tôi hít thở đã” thì ta sẽ thấy điều gì mới là quan trọng nhất đối với người thanh niên. Đó chính là sinh mệnh, hay sức khỏe. Đó là điều quý giá nhất mà mỗi người có được, là nguồn gốc của mọi thứ khác trong đời họ.

Nếu cuộc sống chỉ toàn là đánh đổi, ta đang có những gì và muốn đổi lấy điều chi?

Sống, quan trọng nhất là phải tự biết, tự hiểu được chính bản thân mình. Cuộc đời có hai dạng người đang sống: Dạng cống hiến và dạng đánh đổi. Người cống hiến là những người có niềm đam mê gần như là tín ngưỡng về một lĩnh vực nào đó, họ làm việc, bỏ tâm sức, thời gian vào đó mà không nghĩ đến chuyện gì khác. Số này thì ít lắm. Một dạng trung gian, nhiều hơn một chút là những người thuộc dạng đánh đổi nhưng lại làm ra một số thành tựu nhất định, có thể hiểu đây là những người đầu tư có lãi. Họ bỏ công sức, trí tuệ, thời gian, sức khỏe… ra để làm một việc gì đó, mang lại giá trị cho một nhóm người nào đó và thu về danh tiếng, tiền bạc, quyền hành cho bản thân mình. Dạng cuối cùng là dạng người đánh đổi từ huề tới lỗ vốn. Sau đây tôi không nói về hai dạng người đầu tiên, chỉ nói những người nằm trong dạng cuối cùng thôi.
Theo quy tắc 80-20, tôi tin rằng 80% nhân loại là những kẻ đánh đổi lỗ vốn. Chỉ là qua bao nhiêu năm tháng, xã hội đã có nhiều tư tưởng vĩ đại của tiền nhân được truyền bá để kích thích tinh thần vươn lên của các thế hệ đi sau. Giống như câu của Nguyễn Công Trứ:
“Làm trai đứng ở trong trời đất, phải có danh gì với núi sông.”
Không đâu, có những người cần phải có danh, có người thì không cần. Ai ai cũng có vai trò riêng trong xã hội, tôi không cho rằng nếu 80% nhân loại – những kẻ trao đổi lỗ vốn kia ngừng việc bon chen của họ lại thì xã hội sẽ chậm tiến hay thụt lùi, mà thay vào đó là sự yên bình.
Trong số những người trẻ lao vào ánh hào quang của những thành phố lớn kia, có bao nhiêu người thật sự thành công, bao nhiêu người phải làm việc với số tiền nhận được thấp hơn thời gian và công sức bỏ ra chỉ để mong “bám trụ” lại thành phố? Rồi 10 năm, 20 năm sau tay trắng vẫn hoàn trắng tay. Đó là nói số người may mắn. Còn biết bao chuyện không may, tai nạn, bệnh tật.. khiến họ phải mất đi nhiều thứ hơn là những gì đạt được, thậm chí mất luôn mạng sống. Đơn giản chỉ vì đó không phải là nơi họ nên thuộc về. Có người cũng có thành tựu nhưng phải trả giá bằng sức khỏe, bằng hạnh phúc gia đình, đến khi nhận ra thì muốn lấy lại cũng không được nữa. Có thể họ sẽ học cách cân bằng, họ tin mình sẽ làm được, nhưng thực tế thì không. Nếu làm được thì họ đã ở trong dạng 1 hoặc 2 rồi. Đó là do họ đã bỏ đi thứ họ thật sự cần để đổi về thứ mà xã hội này nói họ cần.
Thường thường điều gì ta có ta hay quên đi hoặc không xem trọng, tình cảm cũng như vậy. Lúc mới yêu, mới cưa cẩm nhau thì hăng say lắm, đến khi quen lâu rồi thì mọi thứ thành thói quen và dần dần trở thành không quan trọng. Có người “hy sinh” tình yêu vì sự nghiệp, hoặc “hy sinh” một tình yêu cũ mèm bằng môt tình yêu mới tinh tươm. Phần nhiều là bỏ đi thứ mình đang có để cố mang về thứ không phải của mình, rồi hối hận cũng đành ngậm bồ hòn làm ngọt vậy thôi. Có anh chê cô người yêu quê mùa, dân dã, nhảy vào “hủ gạo” của một cô con gái rượu của đại gia. Ừ thì cũng kết hôn, cũng sinh con đẻ cái, nhưng cái “phận làm rể” nhiều lúc nó còn chua chát hơn “phận làm dâu” nhiều, đặc biệt là phải sống với một người vợ nhìn mình bằng cặp mắt khinh thường, thái độ của kẻ “bề trên”. Lúc bấy giờ khổ, kêu ai.
  • Tình yêu là tình yêu, không có tình yêu “tốt hơn” đâu. Mang tình yêu đi đổi thứ gì “tốt hơn” là lầm chắc!
  • Công danh, sự nghiệp, cống hiến cho nhân loại là những điều tốt đẹp, nhưng không phải ai cũng nên làm Bill Gates hay Shakespeare.
  • Nếu bạn không biết mình đang có những gì, đừng vội nghĩ đến những thứ cần đổi lấy.
Nếu bạn nằm trong số 20%, hẳn bạn không cần quan tâm đến bài viết này. Vấn đề ở chỗ mọi người đều nghĩ mình nằm trong số 20% đấy.

Nguyễn Huỳnh Nhất Bảo
25/5/2014

Nếu cuộc sống chỉ toàn là đánh đổi…

Đọc tiếp...

“Hãy chậm rãi khi chọn bạn, và càng chậm hơn khi đổi bạn.”- Benjamin Franklin
“Chọn bạn mà chơi” – chúng ta đã từng nghe thấy câu này nhiều lần, không từ bố mẹ thì cũng từ chính… những người xung quanh của mình với nhiều hình thức khác nhau. Vậy tại sao chúng ta phải chọn bạn? Vì chúng ta sẽ tiếp xúc với thế giới bên ngoài thường xuyên, những gì chúng ta làm ở độ tuổi của chúng ta dường như đều do ảnh hưởng từ người khác. Từ cách ăn mặc, đi đứng, cách nói chuyện cho đến thái độ với người đối diện…
Vậy cho đến khi nào thì chúng ta sẽ không còn bị ảnh hưởng từ những người xung quanh nữa? Khi chúng ta lên Đại học? Hay khi ta bắt đầu đi làm? Hoặc khi ta có người yêu? Chẳng có khi nào cả, vì quả Địa cầu này vẫn còn đang chứa chấp hơn bảy tỷ người!
Ngoài những mối quan hệ ta đang có, trong tương lai chúng ta sẽ còn có những mối quan hệ mới với những con người mới, và biết đâu chừng chúng ta sẽ thân thiết với nhiều người trong số đó nữa. Chúng ta sẽ mãi mãi chịu ảnh hưởng bởi những người xung quanh, từ lời ăn tiếng nói cho đến hành động, cả thái độ và phản ứng của họ trước mỗi tình huống. Không tin thì bạn cứ thử nhớ lại xem…
Suốt mấy năm học phổ thông, ai trong chúng ta cũng đều đã từng tiếp xúc với rất nhiều các “quý nhân” phò trợ việc học hành. Bố mẹ, thầy cô liên tục nhắc nhở, đốc thúc các kiểu. Bạn bè hết kiếm chỗ học thêm này tới chỗ học thêm khác để tu luyện, lại còn rủ ta theo cho có tụ để có gì còn học tập lẫn nhau cho dễ. Ngày qua tháng lại có nhiêu đó lặp đi lặp lại. Không phân biệt học sinh chăm ngoan hay thành phần cá biệt, không phân biệt học giỏi hay học dở, sớm hay muộn cũng sẽ phải vào guồng học tập chung với tụi nó dù có muốn hay không – hoặc là học giỏi hơn, hoặc là càng học thì càng… đuối.
Như bạn thấy đấy, chúng ta luôn bị ảnh hưởng bởi con người và môi trường xung quanh. Khi tiếp xúc một thời gian đủ lâu, chúng ta sẽ phải tìm cách hòa nhập và điều chỉnh lại bản thân để tập thích nghi, tựa như một bức tranh trống sẽ được tô vẽ đủ các thể loại màu sắc lên trên đó vậy. Vấn đề là bản thân mình liệu có trở thành một con người tốt hơn không, hay tính tình mình sẽ vô tình trở nên tiêu cực hơn trong môi trường đó cùng với những con người đó? Vạn vật luôn luôn vận động và thay đổi không ngừng, con người cũng không nằm ngoài cái vòng xoáy này…
Vì vậy việc chọn bạn mà chơi là một điều rất quan trọng. Nếu bạn chơi với những người giỏi về công nghệ điện tử, sau này bạn sẽ học được những điều liên quan đến thế giới công nghệ từ họ. Nếu bạn chơi với những người thường xuyên phàn nàn thế này thế kia, sớm hay muộn thì bạn cũng sẽ bắt đầu có thái độ phàn nàn giống y như những người đó. Nếu bạn gia nhập một đội chơi game Liên Minh Huyền Thoại, sớm muộn gì các bạn cũng sẽ vào game luyện tập tác chiến cùng nhau, nếu không thì lập đội để làm gì.
Dạo trước khi chơi Facebook, tôi có add friend một vài người mà ngoài đời tôi cũng không quen thân gì, tự dưng thấy họ add thì mình add lại thôi. Nhiều khi họ hay đăng lên những cái status mang nội dung rất tiêu cực. Thỉnh thoảng đăng lên thôi thì không nói làm gì, ai mà chẳng có lúc này lúc kia. Vấn đề là mấy cái status như thế cứ lặp đi lặp lại trên news feed hoài, không chỉ một lần mà là rất nhiều lần, ngày nào cũng như ngày nào chỉ có nhiêu đó chuyện! Không vì chuyện bản thân, thì cũng vì chuyện bố mẹ, bạn bè, xã hội các kiểu. Thậm chí có lần còn thấy cả một bài diễn văn kêu ca than vãn của một bạn nữ – dài tới nỗi phải bấm vô chữ See More mới xem được hết. Tưởng thế nào, té ra cớ sự là do… cái hột mụn bé tí teo nằm trên da mặt của cô nàng, đọc xong chỉ biết cười trừ cả buổi trời.
Facebook là trang cá nhân, làm gì trên đó là chuyện của mỗi người, về khoản này thì tôi đồng ý. Tuy nhiên, cho dù là mạng xã hội ảo đi chăng nữa, đằng sau những cái avatar và status ấy vẫn là những con người thật. Không phải là tôi không tôn trọng họ, vì dù có muốn hay không chúng ta vẫn cần phải cố gắng đối xử và tôn trọng mọi người như nhau – đó là nguyên tắc đối xử căn bản giữa người và người. Tôi chỉ không muốn dành thời gian với người cứ có chuyện là suốt ngày oang oang lên cho thiên hạ biết, mỗi lần đọc là mỗi lần cảm thấy căng thẳng và khó chịu âm ỉ ở đâu đó. Thà lướt qua không thèm đọc nữa hoặc unfriend luôn còn hơn phí thời gian để tiêu hoá những thứ linh tinh…
Tuy vậy, việc từ bỏ các mối quan hệ trong đời thực không đơn giản như một cái click chuột trên Facebook. Nhất là sau này khi đi làm, chúng ta sẽ thường xuyên tiếp xúc với sếp cùng với những người đồng nghiệp khác ở chỗ làm. Giờ lỡ ta không muốn giữ quan hệ với một ai nữa, chẳng lẽ giờ tới trước mặt người ta mà tuyên bố phũ phàng “tôi không muốn làm bạn với cậu nữa” sao?
Thật ra không nhất thiết phải thế, chỉ cần giảm thiểu thời gian tiếp xúc, có gặp mặt nhau chỉ cần nói vài ba câu xã giao là được để giữ sự tôn trọng tối thiểu cần thiết. Tìm người khác phù hợp hơn mà thiết lập quan hệ. Tìm đứa bạn khác mà chơi chung. Thậm chí chơi… một mình cũng được nữa nếu bạn cảm thấy không ai tốt hơn chính mình! Vì những người suốt ngày tỏ thái độ tiêu cực, chê bai này kia chẳng khác gì những “con giám ngục tinh thần” tựa như tụi giám ngục Azkaban trong Harry Potter vậy. Nghĩa là mới nghe thấy tên thôi đã cảm thấy chán nản và sợ hãi, một khi họ tiếp xúc với bạn là bạn cảm thấy như bị hút sức sống ra khỏi cơ thể vậy (cũng hên cho bạn là họ không có Nụ hôn chết chóc như mấy con giám ngục trong phim!).
Thế còn bạn, bạn có đang thường xuyên gặp phải những “con giám ngục tinh thần” ở trên không? Trên Facebook hay bất kỳ ai xung quanh bạn? Nếu có thì không nên tiếp xúc với họ nữa, tìm người khác! Chúng ta có thể không được chọn gia đình khi mới sinh ra, nhưng chúng ta vẫn còn có toàn quyền lựa chọn bạn bè. Người duy nhất có quyền lựa chọn này, chính là bạn đấy!
Vì những niềm đau khổ của chúng ta, đôi khi bắt nguồn từ những mối quan hệ lầm lạc…

Nhật Niên

Chọn bạn cũng là một nghệ thuật!

Đọc tiếp...

Copyright by HiếuTv
Scroll To Top